Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

XỨ ỦY NAM KỲ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM


Khu căn cứ Xứ ủy Nam kỳ trong kháng chiến chống Pháp. Nguồn ảnh:

PGS,TS Đức Vượng

1. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3-2-1930, các Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ lần lượt được thành lập. Tháng 10-1930, Hội nghị Trung ương 1 họp, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, lại có thêm Xứ ủy Cao Miên (Campuchia), Xứ ủy Ai Lao (Lào).

Xứ ủy Nam Kỳ là một trong những Xứ ủy hoạt động có nhiều kết quả. Trải qua các thời kỳ hoạt động, các tổ chức đảng và đảng viên thường xuyên bị thực dân Pháp truy lùng gắt gao, bắt bớ, tan rã rồi lại lập lại. Ý chí của những người cộng sản Nam Bộ là tiến hành cách mạng đến cùng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày 23-11-1940, nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, theo chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ, "tiền trảm hậu tấu", trước khi báo cáo với Trung ương. Cả vùng nông thôn Nam Kỳ rung chuyển trước sức nổi dậy tiến công như vũ bão của quần chúng cách mạng. Nhiều đồn, bốt của địch bị quân khởi nghĩa đánh chiếm. Chính quyền thực dân và tay sai ở một số xã và quận hoang mang, tan rã. Chính quyền cách mạng được thành lập ở một số nơi. Khí thế dâng lên ngút trời. Rõ ràng cách mạng thực sự là ngày hội của quần chúng. Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong các cuộc biểu tình thị uy và ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng. Những người khởi nghĩa chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Nhưng vì chưa có điều kiện chủ quan và khách quan, các thế lực phản động chui vào hàng ngũ cách mạng phá hoại, cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị thất bại. Quân đội Pháp ở Đông Dương điều động lục quân Pháp và quân tay sai của Pháp đến đàn áp rất dã man. Chúng đã dùng 20 máy bay ném bom xuống các vùng có quần chúng nổi dậy. Nhiều làng bị đốt, hàng vạn người bị chết. Tại Bà Điểm, Hóc Môn, tên cò Bêtaiơ như diên như dại, gặp ai giết người ấy. Số người bị bắt quá đông, địch dùng dây thép xuyên qua bàn tay hoặc bắp chân xâu thành từng chuỗi rồi quẳng xuống sông, xuống biển. Theo báo cáo chính trị, tháng 12-1940, của Thống đốc Nam Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux, chỉ tính ở 4 tỉnh: Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, chúng đã thực hiện gần 6 nghìn vụ bắt người. Thực dân Pháp đã xử tử, đưa đi đày Côn Đảo hoặc giam trong các nhà tù khác hàng vạn chiến sĩ cách mạng. Những cán bộ chủ chốt, lãnh đạo cách mạng Nam Kỳ đều bị bắt. Tối 22-11-1940, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (1940) Tạ Uyên bị bắt. Ngày 28-8-1941, tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ , Ủy viên Trung ương Đảng Phan Đăng Lưu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (1937) Võ Văn Tần, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên khác đã bị Pháp xử bắn.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, nhưng đã biểu lộ rõ lòng căm thù sâu sắc của nhân dân ta đối với thực dân, đế quốc và tinh thần đấu tranh vô cùng dũng cảm của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

2. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, các tổ chức đảng trong Xứ ủy Nam Kỳ và bản thân Xứ ủy Nam Kỳ bị tan rã. Nhưng với tinh thần cộng sản kiên cường, những đảng viên ở Nam Kỳ còn sống sót đã ra sức khôi phục lại tổ chức đảng. Tháng 10-1943, tại một địa điểm ở Chợ Gạo, Mỹ Tho, những đảng viên còn sống sót họp Hội nghị để lập lại Xứ ủy Nam Kỳ. Đây là cuộc họp có ý nghĩa lịch sử, khẳng định ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng của những người cộng sản Nam Bộ.

Sau cuộc họp, các đảng viên phân công nhau đi xuống gây dựng lại cơ sở và khôi phục các tổ chức đảng ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Bến Tre, Tân An, Long Xuyên, Sóc Trăng, Bạc Liêu,... Phong trào cách mạng ở Nam Bộ dần dần được khôi phục.

Hội nghị Trung ương 8, khóa I, họp từ ngày 11 đến ngày 19-5-1941, tại Cao Bằng, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản, chủ trì, đưa ra chủ trương tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc và quyết định tổng khởi nghĩa võ trang, thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, gọi tắt nữa là Việt Minh - thành lập ngày 19-5-1941). Chủ trương này đã dẫn đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chủ trương này cũng đã được Xứ ủy Nam Kỳ quán triệt.

Cục diện chính trị thế giới lúc này biến chuyển hết sức mau lẹ. Ngày 8-5-1945, Liên Xô chiến thắng phát xít Đức Hítle, buộc Hítle phải đầu hàng không điều kiện. Ngày 13-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Khi Nhật chiếm Đông Dương, thì Nhật lấn át Pháp, nắm quyền thống trị Đông Dương và khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, nhân dân ta giành chính quyền từ tay Nhật. Nhưng khi quân Nhật tan rã, thì quân Pháp được quân Anh tiếp sức, ngóc đầu dậy, trở lại xâm chiếm nước ta. Ngày 22-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm trở lại Sài Gòn, rồi dần dần lấn chiếm các tỉnh của Nam Bộ... Người Pháp tại Nam Bộ và Đông Dương lúc này có Pháp Đờcu (Toàn quyền Đông Dương) và Pháp Đờgôn (Tướng Đờgôn, sau là Tổng thống Đờgôn). Pháp Đờcu chiếm Đông Dương từ trước, nay ngóc đầu dậy. Còn Pháp Đờgôn là Pháp Chính phủ lưu vong, từ Angiêri trở về Pari nắm quyền. Pháp Đờgôn là những người Pháp không những chống phe Trục (Đức, Nhật), mà còn chống cả phátxít Pháp, bọn Pháp gian phản quốc, tay sai của phe Trục nữa. Những người Pháp này tán thành chủ trương của tướng Đờgôn, Chủ tịch Ủy ban giải phóng nước Pháp. Tuy Pháp Đờgôn làm ra vẻ ủng hộ phong trào giải phóng Việt Nam, nhưng kỳ thực, cả Pháp Đờcu lẫn Pháp Đờgôn đều có âm mưu chiếm lại Đông Dương. Chủ trương của Trung ương lúc này là tạm thời liên minh có điều kiện với Pháp Đờgôn để đánh Nhật, vì Đông Dương đã thành thuộc địa của Nhật. Tuy liên minh với Pháp Đờgôn để chống Nhật xâm lược Đông Dương, nhưng Trung ương Đảng vẫn coi chừng "cái bả" Đờgôn. Điều này đã được tác giả C.G.P (Tổng Bí thư Trường Chinh) giải thích rõ trong bài "Phải coi chừng cái bả Đờgôn" (báo Cờ giải phóng, số 10, ngày 28-1-1945). Còn Pháp Đờcu là Pháp phát xít trăm phần trăm, cũng như ai còn lạ gì bọn Pêtanh, Lavan là Pháp gian phản quốc. Năm 1940, Nhật kéo quân vào Lạng Sơn. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Đờcu hoảng sợ, liền quy lạy phátxít Nhật, ra mặt làm tay sai cho phe Trục, thẳng tay vơ vét của cải của nhân dân Đông Dương, nộp cho phátxít Nhật và phát xít Đức, thẳng tay đàn áp cách mạng Đông Dương. Vấn đề này đã được Tổng Bí thư Trường Chinh giải thích rõ trong bài "Bọn Đờcu muốn gì?" (đăng báo Cờ giải phóng, số 9, ngày 25-12-1944). Vì vậy, xét về bản chất, cả Pháp Đờcu lẫn Pháp Đờgôn đều là phản động với nhân dân Đông Dương, đều muốn thống trị Đông Dương, tuy mức độ phản động có khác nhau, cho nên cần phải tranh thủ những thế lực có thể còn tranh thủ và cô lập những thế lực cần phải cô lập. Đó là sách lược của Đảng trong lúc này.

Từ sau cuộc đảo chính Nhật ngày 9-3-1945, phong trào cách mạng phục hồi rất nhanh trong cả nước, trong đó có Nam Bộ. Ngày 19-8-1945, Tổng bộ Việt Minh hạ lệnh khởi nghĩa toàn quốc. Lập tức các đội quân giải phóng được tung ra mặt trận. Quân Nhật tan rã từng mảng. Thực ra, cuộc đấu tranh khởi nghĩa của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã bắt đầu từ ngày 9-3-1945, khi Nhật nổ súng đảo chính Pháp, và trước đấy nữa, tháng 10-1944, nhân dân huyện Đình Cả nổ súng bắn vào quân Pháp. Cũng trong dịp này, anh em tù chính trị ở Nghĩa Lộ, Yên Bái, Ba Tơ, Quảng Ngãi nổi lên phá ngục. Dân Mường Lạng Sơn, Hòa Bình, dân Mèo ở Sơn La cũng bắn nhau với Nhật. Đi đôi với những hành động quân sự, là cuộc tổng biểu tình thị uy võ trang toàn quốc, trong các ngày 17,18,19-8-1945. Từ ngày 9-3-1945 đến ngày 19-8-1945, Đảng đã lãnh đạo cao trào kháng Nhật, cứu nước có tính chất thật khởi nghĩa. Đó là Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đây thực sự là cuộc cách mạng, chứ không phải cuộc đảo chính như một số bài viết đăng báo.

Trong quá trình phục hồi, phong trào đã hình thành hai nhóm cộng sản: "Tiền phong" và "Giải phóng". Có người gọi đây là Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng. Đây cũng là tên của hai tờ báo "Tiền phong" và "Giải phóng". Báo Tiền phong là của nhóm Tiền phong; báo Giải phóng là của nhóm Giải phóng. Trong khi đó, vẫn là Xứ ủy lâm thời Nam Kỳ và Mặt trận Việt Minh ở Nam Bộ cùng các đoàn thể cứu quốc. Nhóm Tiền phong tổ chức ra Thanh niên tiền phong.

Trước cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, những người cộng sản ở Hậu Giang ra báo "Tiền phong", đề xướng khẩu hiệu "Kháng Nhật kiến quốc", chủ trương rút khẩu hiệu chống Pháp trước khi nổ ra cuộc đảo chính của Nhật và sau ngày đó, lại chủ trương lợi dụng Nhật để giành chính quyền. Trong khi đó, những người cộng sản ở Tiền Giang viết trong tờ "Giải phóng", vẫn giữ khẩu hiệu "Đánh đuổi Pháp - Nhật" sau khi Nhật đã hoàn thành cuộc đảo chính Pháp và Pháp không có quyền hành gì ở Đông Dương. Đây chính là sự khác nhau về nhận thức của hai nhóm cộng sản ở Nam Kỳ lúc ấy. Về sự kiện này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã phân tích trong bài "Hãy kíp đi vào đường lối" (đăng bào Cờ giải phóng, số 15, ngày 17-7-1945). Theo nhận định của Tổng Bí thư Trường Chinh, thì cả hai khẩu hiệu "Kháng Nhật kiến quốc" và "Đánh đuổi Pháp - Nhật" đều không đúng, vì xét trên thực tế, trước cuộc Nhật đảo chính Pháp, bộ máy cai trị của Pháp ở Đông Dương, chưa đổ. Ách của Pháp vẫn trực tiếp đè lên vai nhân dân Đông Dương. Một số người Pháp ở Đông Dương, tuy làm ra vẻ theo phái Pháp Đờgôn ở Đông Dương, nhưng trên thực tế, họ vẫn thi hành chính sách phát xít và kỳ thực, vẫn làm tay sai cho Nhật, dù chúng muốn hay không muốn. Lúc ấy đề ra khẩu hiệu "Kháng Nhật kiến quốc", bỏ khẩu hiệu chống Pháp, thì có khác gì thừa nhận quyền thống trị của Pháp ở Đông Dương. Và tại sao lại "kiến quốc"? Nước ta mất đã lấy lại được đâu mà "kiến quốc" mà xây dựng lại nước? Trái lại, sau cuộc đảo chính mà còn lắp mãi khẩu hiệu "Đánh đuổi Nhật - Pháp" (hay "Đánh đuổi phátxít Nhật - Pháp!") như báo Giải phóng đã viết, thì cũng không đúng nốt. Vì sao? Vì sau cuộc đảo chính, quyền thống trị của Pháp đã bị Nhật lật hẳn. Quân Pháp ở Đông Dương (cả Pháp Đờcu và Pháp Đờgôn), đều bị Nhật dàn dựng lên. "Như thế mà còn hô đánh đổ Pháp, thì có khác gì đánh vuốt đuôi một kẻ đã ngã, có khác gì chém dao xuống nước hay đẩy một cái cửa bỏ ngỏ"(1). Tổng Bí thư Trường Chinh giải thích rằng, trước kia, có khẩu hiệu "Đánh đuổi Nhật - Pháp", đồng thời, vẫn liên minh với những người chống phe Trục. Đó không có gì mâu thuẫn hết. Vì đánh đuổi ách thống trị Nhật - Pháp hay ách thống trị phátxít Nhật - Pháp, chứ không phải đánh tất cả các hạng người Pháp. Nhưng nếu chiều hướng Pháp Đờgôn trở thành trực tiếp xâm lược Đông Dương, thì lúc ấy, ai cấm ta đề ra khẩu hiệu chống Pháp. Tổng Bí thư Trường Chinh viết:

"Tóm lại, khẩu hiệu cách mạng, nhất là khẩu hiệu chiến lược, phải đặt một cách khách quan, căn cứ vào sự phân tích khoa học tình hình trong nước và ngoài nước, căn cứ vào sự nhận định sáng suốt kẻ thù và các hạng đồng minh xa gần và cố nhiên phải thích hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn"(2).

Có thể nói, cả nhóm Tiền phong và nhóm Giải phóng đều có tinh thần yêu nước và cứu nước. Tuy nhiên, trong nhận thức và phương pháp hoạt động của mỗi nhóm có khác nhau. Đến tháng 8 và tháng 9 1945, cả hai nhóm Tiền phong và Giải phóng đã thống nhất lại trong Xứ ủy Nam Kỳ.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám nổ ra trong cả nước. Tại Sài Gòn, theo chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ, từ ngày 20-8-1945, cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện công khai. Hàng vạn tờ truyền đơn của Việt Minh được tung ra khắp thành phố. Ngày 23-8-1945, Xứ ủy họp ở Chợ Đệm quyết định khởi nghĩa chiếm Sài Gòn và các tỉnh vào ngày 25-8-1945. Từ đêm 24-8-1945, các đội "công đoàn xung phong", "thanh niên xung phong" của Sài Gòn - Chợ Lớn được lệnh tập trung và từng đoàn công nhân, nông dân, thanh niên mang theo giáo mác, tầm vông, từ các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Thủ Dầu Một,... bằng mọi phương tiện, rầm rập kéo về Sài Gòn. Sáng ngày 25-8-1945, các lực lượng khởi nghĩa đã chiếm Sở Công an, Sở Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện, Nhà đèn, các quận, bót. Riêng tại cơ sở mật thám Catina, quân địch chống cự một cách yếu ớt và bị các lực lượng khởi nghĩa đánh tan. Hơn 1 triệu quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận kéo vào đã biểu tình tuần hành, hô khẩu hiệu: "Việt Nam hoàn toàn độc lập!", "Tất cả chính quyền về tay Việt Minh"... Cờ đỏ sao vàng phất phới bay trên cột cờ Thủ Ngữ và trên các công sở. Quần chúng như một biển người kéo đến dự mít tinh hoan nghênh Ủy ban Nhân dân Nam Bộ. Quân Nhật hoàn toàn tê liệt, không dám chống cự. Cuộc khởi nghĩa thành công nhanh chóng.

Như thế là, về cơ bản, đến ngày 25-8-1945, quyền thống trị của thực dân, đế quốc đã được xây dựng một trăm năm và chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm ở nước ta đã bị nhân dân ta lật đổ. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thuộc về tay nhân dân.

Ngày 2-9-1945, trong khi tại Hà Nội, Lễ độc lập được tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thì tại Nam Bộ Phủ ở Sài Gòn cũng tổ chức mít tinh lớn, mừng ngày độc lập.

Tháng 8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh đã phái Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang) vào Nam Kỳ để kiểm tra tình hình, cùng với Xứ ủy Nam Kỳ củng cố và phát triển tổ chức, đưa phong trào cách mạng ở Nam Bộ tiếp tục tiến lên trong hoàn cảnh mới.

3. Sau khi được khôi phục, Xứ ủy Nam Kỳ hoạt động trong guồng máy của toàn Đảng, đã làm được một số việc có hiệu quả:

Một là: Xứ ủy Nam Kỳ đã ra sức khôi phục lại các tổ chức đảng đã bị nhà cầm quyền Pháp phá vỡ trước đó, đưa các tổ chức đảng trở lại sinh hoạt bình thường, mở thêm các tổ chức mới, kết nạp đảng viên mới; đã tập hợp được các đảng viên sau khi bị địch khủng bố; đào tạo cán bộ từ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng.

Hai là: Xứ ủy củng cố tổ chức đảng đi đôi với việc củng cố các tổ chức chính quyền cách mạng, đặc biệt là chính quyền cấp xã. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ lúc đầu là ông Trần Văn Giàu, sau đó, chức vụ này do ông Phạm Văn Bạch (Nguyễn Văn Liên) đảm nhiệm từ ngày 7-9-1945. Chủ trương của Xứ ủy là chọn một số nhân sĩ, trí thức có uy tín, có khả năng đối nội lẫn đối ngoại, chưa phải đảng viên cộng sản, tham gia Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Tiến sĩ luật Phạm Văn Bạch phù hợp với vị trí Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ lúc này. Được tổ chức lại, sắp xếp lại, chính quyền cách mạng các cấp hoạt động có hiệu quả, theo hướng phục vụ nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Ba là: Xứ ủy đã củng cố và phát triển mạnh các tổ chức quần chúng. Lúc này, ở Nam Bộ, ngoài tổ chức Việt Minh, còn có các đoàn thể cứu quốc hoạt động trong tổ chức Việt Minh. Nhiều quần chúng ưu tú đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhiều hội viên Thanh niên tiền phong tình nguyện gia nhập Việt Minh. Xứ ủy đã đào tạo được nhiều cán bộ cho các tổ chức quần chúng. Nhờ có sự lớn mạnh của các tổ chức quần chúng yêu nước, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, phong trào cách mạng ở Nam Bộ lớn mạnh từng ngày, từng giờ. Khi Nam Bộ bước vào cuộc chiến đấu chống Pháp xâm lược trở lại, thì chính các lực lượng yêu nước, cứu nước đã xông ra chiến trường chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược.

Bốn là: Xứ ủy đã lãnh đạo thống nhất các lực lượng võ trang Nam Bộ. Chủ trương này của Xứ ủy Nam Kỳ đã dẫn đến Hội nghị Xứ ủy mở rộng, họp tại Thiên Hộ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, ngày 25-10-1945, bàn việc thống nhất các lực lượng võ trang Nam Bộ và củng cố các tổ chức đảng trong các lực lượng võ trang Nam Bộ. Có thể nói, lực lượng võ trang Nam Bộ lúc này là ô hợp. Ngoài những đơn vị võ trang cách mạng, còn có các Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ Sư đoàn và lực lượng võ trang Bình xuyên. Sau cuộc họp của Xứ ủy, các lực lượng võ trang Nam Bộ đã được từng bước thống nhất lại.

Hoạt động của Xứ ủy Nam Kỳ trong Cách mạng tháng Tám đã góp phần to lớn vào việc xây dựng Đảng, xây dựng phong trào quần chúng yêu nước và cách mạng ở Nam Bộ, xây dựng các đoàn thể cứu quốc và xây dựng các lực lượng võ trang cách mạng ở Nam Bộ. Lịch sử mãi mãi ghi nhận những đóng góp to lớn của Xứ ủy Nam Bộ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và của Trung ương Cục miền Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

(Bài đăng trong Tạp chí Thông tin Đối ngoại, số 8-2015)

***** 
Chú thích:
1,2. Trường Chinh: Hãy kíp đi vào đường lối, báo "Cờ giải phóng", số 15, ngày 17-7-1945.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét